Site banner
Thứ hai, 5. Tháng 5 2025 - 23:01

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Chị Thoa vươn lên làm giàu

Chị Thoa đang mài bóng gáo dừa.

Trong cuộc sống mỗi người, không có thành công nào từ “trên trời rơi xuống”. Thực tế cho thấy, bản thân mỗi người biết phát huy năng lực cũng như sự cố gắng vẫn có thể vượt qua mọi khó khăn để vươn lên thành đạt. Chị Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1984, ở ấp 2, xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm là một minh chứng.

Chị Thoa có vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Mới nhìn ít ai biết chị là chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ Hoàng Quân. Cách đây 4 năm, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Chị kể: “Khi lập gia đình, cả hai bên đều nghèo, hai vợ chồng có được tài sản duy nhất là 40m2 đất, đủ dựng căn nhà nhỏ”. Hàng ngày, vợ chồng chị làm thuê theo kiểu ai mướn gì làm nấy. Khó khăn càng thêm chồng chất khi hai đứa con lần lượt chào đời.

Được sự giới thiệu và bảo lãnh của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giồng Trôm, chị Thoa được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 30 triệu đồng. Chị dùng khoản tiền này đầu tư mua nguyên liệu gáo dừa, một số máy móc thô sơ để sản xuất hàng mỹ nghệ. Từ chỗ lấy công làm lời, chị thuê thêm vài lao động để đảm bảo đủ số lượng sản phẩm giao theo đơn đặt hàng. Theo thời gian, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của chị Thoa đi vào hoạt động ổn định.

Cách đây 2 năm, chị Thoa mạnh dạn thuê đất, cất nhà xưởng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Cơ sở tuy chưa lớn lắm nhưng đã đáp ứng những đơn hàng cố định. Chị Thoa thuê 10 lao động, thu nhập từ 80 - 120 ngàn đồng/người/ngày, bao cơm trưa. Cuối năm 2014, chị Thoa thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Khi kể về câu chuyện thoát nghèo, niềm vui rạng ngời trên gương mặt người phụ nữ bản lĩnh này. Chị Thoa chia sẻ: Phần lớn máy móc tại xưởng là của gia đình tự tìm tòi, chế tạo. Lúc mới đưa máy móc vào vận hành thay thế công lao động ở một số công đoạn thủ công, sản phẩm làm ra không đẹp như ý muốn. Dần dần rút kinh nghiệm và nghiên cứu tu bổ thêm, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Đến thời điểm này, chị Thoa cùng các thành viên trong gia đình đã chế tạo được máy mài bóng, máy chuốt đũa, máy trộn… Hiện tại, cơ sở của chị rộng khoảng 320m2 và có 16 lao động. Công việc đòi hỏi kiên trì, khéo léo, cộng với ý muốn giúp đỡ phụ nữ trong ấp có công ăn việc làm, chị thuê lao động đa phần là nữ. Sản phẩm làm ra đa dạng, độc đáo: vỏ đựng bình trà có khắc hình rồng, phượng sống động và tinh tế theo đơn đặt hàng từ Hà Nội hay các tẩu thuốc theo đơn đặt hàng từ Mỹ. Với giá cả phải chăng và chất lượng sản phẩm vượt trội, đơn hàng ổn định, hàng tháng trừ các khoản chi phí, gia đình chị Thoa còn lợi nhuận gần 10 triệu đồng.

Chị Trần Thị So - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giồng Trôm cho biết, qua phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015, toàn huyện có trên 2.000 gương phụ nữ điển hình trên các lĩnh vực. Chị Kim Thoa là gương có ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn, đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình. Chị cũng đã góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Nguồn: Báo Đồng Khởi