Hôm tôi đến, nắng khá gay gắt nhưng ông Trần Văn Thanh, ở ấp Phú Hòa, xã Sơn Phú (Giồng Trôm) vẫn chăm chỉ lao động ngoài vườn để chăm sóc cây dừa. Ông nở nụ cười tươi, hiện rõ nét chất phác của người nông dân: “Hàng ngày, tôi dành phần lớn thời gian để chăm sóc cây trồng. Vào cao điểm làm cỏ, bón phân, bồi bùn tôi còn thuê thêm hai người nữa cùng làm”.
Dừa trong vườn của ông Thanh đều cho trái sai.
Vài tháng gần đây, trái dừa khô rớt giá, thương lái quen thu mua với giá cao hơn các hộ trồng dừa khác từ 5.000 - 8.000 đồng/chục (12 trái) nhưng cũng chỉ 40.000 đồng/chục. Tuy vậy, ông Thanh vẫn không nản lòng, tiếp tục chăm sóc cây dừa. Ông chỉ tay về cây dừa phía trước mặt và nói: “Em thấy đó, mỗi tháng cây dừa cho thêm một lưỡi mèo mới và đúng một năm mới thu hoạch trái. Nếu mình không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thì cây dừa ra lưỡi mèo bị gián đoạn và không thể có trái để thu hoạch đều đặn mỗi tháng”.
Ông Thanh sở hữu 2ha đất trồng dừa từ 10 - 15 năm tuổi. Cách chăm sóc cây trồng của ông không giống nhiều nông dân trồng dừa khác. Cách đây 10 năm, ông Thanh nuôi 1.000 con gà công nghiệp. Ông dùng cuốc, chọn vị trí cách gốc cây dừa từ 1 - 1,5m rồi đào vòng tròn, với chiều sâu 0,5m, cho phân gà đã ủ hoai vào rồi lấp đất lại. Được vài năm, ông Thanh không còn nuôi gà và đã chuyển sang sử dụng phân hóa học để bón cây trồng. Hàng năm, vào thời điểm đầu mùa mưa, ông đều đào đất quanh cây dừa (ở vị trí như bón phân gà) và bón 0,5kg phân NPK/cây dừa rồi lấp đất lại. Sau đó, cứ từ 1 - 2 tháng, ông lấy phân NPK ngâm tan trong nước và tưới trực tiếp vào gốc dừa, mỗi công đất trồng 20 cây dừa, tương ứng với việc ngâm 2kg phân để tưới, kết hợp tưới nước ướt cả phần gốc dừa. Theo ông Thanh, phân bón thấm vào đất và chất dinh dưỡng được rễ dừa hấp thụ, giảm lượng phân bị thất thoát do nắng nóng bốc hơi hoặc nước mưa rửa trôi. Và 2 tháng, ông sử dụng thuốc trừ sâu pha nước thật loãng, xịt lướt qua phần ngọn cây dừa, để phòng trừ sâu hại, gây rụng trái. Mỗi năm, vào đầu hoặc cuối mùa mưa, ông lấy đất đắp theo hai phía triên của bờ vườn và dùng máy bơm lớp bùn non dưới mương lên khắp bề mặt bờ vườn. Ông Thanh lý giải: Chỉ sử dụng lớp bùn non để bồi lên bờ, tránh lấy đến lớp đất cứng nằm sâu phía dưới còn lẫn phèn, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây dừa. Việc sử dụng máy bơm bùn còn tạo mặt liếp bằng phẳng, thuận lợi khi dùng máy cắt cỏ dại. Ngoài ra, ông còn sử dụng 30 cái lồng để bắt chuột đục khoét trái dừa. Mỗi chiều, ông đem bẩy ra đặt lên cây dừa và sáng đến có trên 10 con chuột nằm gọn trong lồng bẩy. Nhờ vậy, số dừa trái bị chuột đục khoét giảm đáng kể.
Dừa trong vườn của ông Thanh có lá màu xanh đầy sức sống, buồng đơm trái sai và to. Buồng dừa đơm trái theo thứ bậc kế tiếp nhau, mỗi tháng có một buồng dừa, trung bình 6 trái. Một công đất, ông Thanh trồng 20 cây dừa, mỗi tháng thu hoạch 120 trái, trọng lượng trái dừa từ 1- 1,2kg, được thương lái ưu tiên thu mua. Trong 2ha đất trồng dừa của ông Thanh, có 50 cây hội tụ đủ các tiêu chuẩn như gốc to, tàu dài, lá dài, mo nang dài, trái to và sai được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh dấu khuyến khích lấy trái nhân giống. Hàng năm, ông Thanh cung cấp cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh 3.000 cây dừa ta giống và 2.000 cây dừa xiêm giống. Giá bán 30.000 đồng/cây dừa ta giống và 20.000 đồng/cây dừa xiêm giống (do ngay thời điểm ký hợp đồng, trái dừa khô còn nằm ở mức giá cao). Cách đây hơn một năm, ông Thanh đã nuôi gà trở lại, quay vòng trung bình mỗi tháng ông đều xuất bán 100 con, thu được lợi nhuận từ 1,5- 2 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.
Đề cập đến giá trái dừa khô, ông Trần Văn Thanh bộc bạch: Khi trái dừa khô tăng giá lên 80.000 đồng/chục, tôi rất mừng và cảm thấy yên tâm gắn bó với cây dừa. Nhưng giá vọt lên đến 140.000 đồng/chục, tôi cảm thấy có vấn đề, bởi nếu ổn định ở giá này thì chắc chắn là sẽ có rất nhiều nhà vườn chuyển sang trồng dừa. Hiện giá trái dừa khô hạ xuống rất thấp làm cho những hộ dân có nguồn thu chính từ cây dừa, sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo ông Thanh, những hộ trồng dừa với quy mô lớn, không thể dứt bỏ cây trồng, vẫn quan tâm chăm sóc để khi giá dừa tăng trở lại có trái thu hoạch. Riêng những hộ sở hữu diện tích chỉ vài công, rất dễ nản lòng và đi đến thờ ơ với cây dừa. Ông Thanh chia sẻ: Tôi vừa nhận thông tin được Hội Nông dân tỉnh tuyển chọn để tôn vinh và tham gia tọa đàm tại Festival Dừa lần thứ III. Cá nhân tôi đặt nhiều kỳ vọng vào Festival Dừa lần này, được gặp gỡ nông dân trồng dừa để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng cho trái đạt chất lượng và năng suất cao. Tôi sẽ kiến nghị với nhà quản lý cần có giải pháp cấp bách, không để nông dân lung lay với cây dừa; về lâu dài phải tìm hướng đi thích hợp và định hướng vững chắc cho cây dừa. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp chế biến dừa cần quan tâm đầu tư công nghệ, tạo nhiều sản phẩm mới và giữ chữ tín trong kinh doanh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có như thế, giá thu mua dừa trái tăng lên, người trồng dừa được hưởng lợi, yên tâm gắn bó với cây dừa.
Nguồn: Báo Đồng Khởi