Là xã cửa ngõ của huyện Giồng Trôm, Sơn Phú có đường tỉnh 887 đi qua, giáp với xã Phú Nhuận của TP. Bến Tre. Đây là một trong những lợi thế đã được Đảng bộ và nhân dân xã phát huy, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015.
Tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Sơn Phú.Tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Sơn Phú.
Với đặc điểm xã thuần nông, Sơn Phú có đến 90% hộ sản xuất nông nghiệp. Đảng bộ xã đã xác định phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn là chủ yếu. Từ đó, xã tập trung lãnh đạo nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật. 5 năm qua, xã đã chuyển đổi cây lúa, cây nhãn sang cây dừa. Toàn xã hiện có diện tích trồng dừa trên 866ha, sản lượng khoảng 7 - 8 triệu trái/năm. Cây có múi và cây ăn trái, với diện tích trên 200ha trồng chuyên canh và xen canh trong vườn dừa, năng suất bình quân 10 tấn/ha/năm.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển, chủ yếu là gia súc, gia cầm. Xã hiện có tổng đàn 25.024 con, trong đó đàn gà thả vườn tập trung số lượng trên 1.000 con. Bên cạnh các mô hình chăn nuôi tổng hợp như chăn nuôi đàn bò, heo thì nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì và phát triển. Các mô hình nuôi cá nước ngọt, tôm càng xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiệm kỳ 2010-2015, Sơn Phú đã xây dựng được 912 hộ đạt giá trị kinh tế cao và thành lập 2 tổ liên kết hợp tác ở ấp 2 và ấp 3.
Cùng với phát triển trồng trọt và chăn nuôi, xã tập trung phát triển du lịch sinh thái. Hàng năm, có hàng ngàn du khách đến tham quan du lịch vùng đất cù lao Long Thành và xã Hưng Phong. Các khu du lịch này đã và đang xây dựng giao thông, phát triển vườn cây ăn trái, liên kết các điểm tham quan di tích lịch sử trong huyện để phục vụ nhu cầu khách du lịch. Từ đó, xã có thêm nguồn thu để đầu tư xây dựng các công trình an sinh xã hội và quảng bá nét đặc trưng văn hóa quê hương.
Trên địa bàn xã, có 426 cơ sở hoạt động chế biến hàng hóa nông sản được mở rộng gồm: cơ sở kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ, xẻ gỗ, xay xát, gia công cọng dừa, một số điểm mua chanh, dừa, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Kinh tế tăng trưởng, thu nhập bình quân của người dân hiện đạt 21,2 triệu đồng/người, tăng 6,2 triệu đồng/người so với đầu nhiệm kỳ 2010-2015. Hộ nghèo đầu nhiệm kỳ 7,1%, nay còn 6,7%.
Ông Lê Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và thực hiện kế hoạch kinh tế theo hướng phát triển toàn diện. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng ủy xã đã xây dựng và ra nghị quyết ban hành 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm gồm: Trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, khuyến khích các ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2010-2015. Kinh tế phát triển vững chắc. Từ đó, văn hóa - xã hội không ngừng được củng cố, nâng chất. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. An ninh chính trị được giữ vững ổn định, trật tự xã hội được duy trì. Niềm tin của người dân được củng cố và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Các chủ trương, chính sách, nghị quyết được nhân dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả.
Nguồn: Báo Đồng Khởi