Site banner
Thứ hai, 5. Tháng 5 2025 - 23:35

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Làng nghề làm giỏ cọng lá dừa những ngày giáp Tết

Đan giỏ cọng dừa tại xã Phước Long.

Vào những ngày giáp Tết, đến xã Phước Long, Sơn Phú (Giồng Trôm), tôi như cùng người dân hòa mình vào không khí sôi động của nghề truyền thống làm giỏ cọng lá dừa. Dọc theo sông Hàm Luông từ xã Sơn Phú đến cầu Thừa Mỹ của xã Phước Long, hộ nào cũng tất bật với công việc, người thì ngồi chuốt cọng dừa, người thì đan giỏ...

Người dân nơi đây cho biết, nghề đan giỏ cọng lá dừa được hình thành đã gần 20 năm. Dù thời gian chưa phải là dài nhưng nghề này đã có bước phát triển nhanh, phần lớn là sản xuất theo hộ gia đình. Nhiều hộ đã có thời gian dài làm giỏ để nuôi sống cả gia đình, lo cho các con ăn học.

Nhà chị Lê Thị Xoa ở ấp 9, xã Phước Long, trước đây vắng người, nhưng nay thì nhộn nhịp, đông vui vì có nhiều lao động đến làm giỏ. Từ ngoài sân bước vào, đâu đâu cũng thấy lá dừa, cọng dừa và những sản phẩm đã hình thành. Nhìn những đôi tay của người phụ nữ nhanh nhẹn, khéo léo trong từng động tác thì biết ngay các chị đã làm thành thạo nghề này từ lâu. Vừa đan giỏ, chị Xoa vui vẻ kể: “Nhà tôi trước đây gặp rất nhiều khó khăn do vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu là ai mướn gì làm cái nấy. Từ khi được Chi hội Phụ nữ ấp tổ chức dạy nghề làm giỏ, đến nay gia đình tôi có việc làm ổn định nên cuộc sống có đỡ hơn”.

Anh Nguyễn Văn Chảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Long cho biết, hiện toàn xã có 467 hộ nghèo và cận nghèo (theo tiêu chí năm 2015) thì đã có 300 hộ tham gia làm giỏ cọng lá dừa. Ngoài ra, còn có hơn 100 hộ khá cũng tham gia làm nghề này. Sở dĩ người nghèo và lao động nhàn rỗi ở địa phương sống được bằng nghề làm giỏ là vì không cần nhiều vốn. Nhà nào có chút ít vốn thì mua nguyên liệu về đan giỏ, còn nhà nào không có vốn thì nhận hàng từ hộ gia đình khác về gia công. Công việc không có gì nặng nhọc; khi nào rảnh công việc nhà thì làm, vì thế phụ nữ hay người cao tuổi đều có thể tham gia. Đối với hộ cần vay vốn, địa phương cũng đã tạo điều kiện cho hộ nghèo được vay từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn tín dụng của Hội Phụ nữ, nên hộ nào cũng có vốn đầu tư làm giỏ.

Đi sâu vào các ấp, tôi thấy nhà nào cũng thật đông vui, từ người già đến người trẻ ngồi quây quần đan giỏ. Cảnh tất bật như thế này là do mùa Tết, nhu cầu giỏ đựng quà tặng tăng cao nên sản phẩm giỏ cọng lá dừa tiêu thụ mạnh, giá bán cũng nhỉnh hơn trước đây. Thu nhập của nghề làm giỏ không cao lắm, lãi khoảng 800 đồng/giỏ, nhưng nhờ cả gia đình cùng làm, nên có được số lượng lớn sản phẩm, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Toàn xã Phước Long hiện có 3 cơ sở thu mua lớn của anh Thanh, anh 5 Sòng, anh 7 Thắng. Khi tôi hỏi về việc xuất hàng ra sao thì các anh cho biết, gần Tết, các nơi có nhu cầu giỏ cọng dừa rất cao, nên lượng thu mua từ các cơ sở rất lớn. Hiện mỗi cơ sở thu mua có 120 cơ sở nhỏ dạng gia đình làm giỏ là vệ tinh, cung cấp mỗi ngày 1 - 2 ngàn giỏ. Do các cơ sở này tìm được nhiều nơi tiêu thụ nên giỏ sản xuất được bao nhiêu đều tiêu thụ hết, người dân làm nghề này không phải lo việc tiêu thụ sản phẩm. Làng nghề đan giỏ cọng lá dừa phát triển đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

 

Nguồn: Báo Đồng Khởi